Nếu so sánh thế giới đá hoa cương là một dải ngân hà thì chắc chắn đá Kim Sa là những ngôi sao tỏa sáng rực rỡ. Suốt 25 năm qua, loại đá này được khá nhiều gia đình ưu ái lựa chọn để ốp lát nội thất. Vậy thì, đá hoa cương kim sa là gì và những điều gì thú vị xung quanh nó? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Xuất xứ từ Ấn Độ, cái nôi của nền công nghiệp đá, hoa cương Kim Sa còn được biết đến với nhiều cái tên khác như Star Galaxy, Galaxy Granite, Ongole Galaxy, Star Galaxy Black hay Nero Star Galaxy, … Thế giới đã đặt cho chúng rất nhiều cái tên, nhưng tựu chung lại những cái tên này đều có chữ Galaxy tức là Dải ngân hà. Lý do đơn giản là vì nhìn thoạt qua, loại đá này tựa như bầu trời đêm với hàng ngàn vì sao đang thi nhau tỏa sáng. Và về đến Việt Nam, chúng đã được đặt cho cái tên rất kiêu “Đá Kim Sa”.
Đá hoa cương Kim Sa có ngoại hình đúng với cái tên của nó. Chúng sở hữu mặt đá với màu đen là chủ đạo kết hợp những hạt kim sa ánh đồng. Những hạt này chính là Enstatine hay còn gọi là Bronzite, một loại khoáng vật với màu vàng đặc trưng lấp lánh.
Mặc dù gần như đã được cả thế giới công nhận là đá hoa cương. Nhưng các chuyên gia về đá vẫn không đồng ý về điều này. Họ cho rằng, chỉ những loại đá đáp ứng được đúng tỷ lệ thành phần thạch anh và felspat thì mới là hoa cương. Theo các nhà khoa học, thực chất, đá Kim Sa thuộc họ Grabbro với tên đầy đủ là Grabbric Anorthosite.
Grabbo là một loại đá lửa xâm nhập có màu tối, thô. Gabbro rất giống với bazan vì cùng được tạo ra từ một số loại khoáng sản. Bao gồm chủ yếu là Felspat plagioclase với 1 lượng nhỏ của pyroxene và olivin.
Tuy nhiên, theo định nghĩa thương mại, bất cứ loại đá nào cứng hơn cẩm thạch đều là đá hoa cương. Do đó, các loại đá hoa cương không hề có một cấu tạo giống nhau, tùy vào thành phần cấu thành mà chúng sở hữu những màu sắc và hoa văn khác biệt. Ở đây loại đá Kim Sa thuộc về nhóm đá họ Grabbro với điểm số về độ cứng ở mức trên trung bình là 4.5 trên 10 loại khoáng vật cứng nhất thế giới.
Đá hoa cương kim sa được tìm thấy ở một ngôi làng có tên là Chimmakurth ở quận Ongole thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn độ. Một địa điểm cách thành phố lớn thứ 4 của Ấn Độ là Chennai khoảng 350km về phía bắc. Chính vì thế mà đôi khi người ta lại thay thế tên gọi của chúng bằng Ongole.
Những ai muốn đến tham quan mỏ đá ở đây có thể đến thành phố Chennai và di chuyển bằng xe máy trong khoảng 4 giờ hoặc lựa chọn đi xe lửa trong khoảng 6 giờ sau đó đi bộ đến Chimmakurth.
Tại Chimmakurth có khoảng 44 mỏ đá trải rộng trên hơn 160ha. Kích cỡ của mỏ đá trung bình từ 2 đến 20 mẫu Anh, tức là rơi vào khoảng từ 1ha đến 8ha cho một mẫu.
Việc khai thác cần có các trang thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, các mỏ đá không hẳn được khai thác suốt năm mà được chia ra từng giai đoạn.
Một vấn đề khá nan giải trong ngành công nghiệp đá đó chính là khả năng cung ứng có giới hạn tại các mỏ đá. Bởi được sinh ra từ tự nhiên và cần một quá trình dài để hình thành nên Kim Sa cũng chỉ có một số lượng nhất định như các loại đá hoa cương khác. Ngày nay, vì người tiêu dùng khá yêu thích kim sa, nên chúng dần ít đi. Điều này dẫn đến việc giá của loại đá này đang có xu hướng tăng dần.
Bên cạnh đó, do vấn đề khan hiếm, các trang thiết bị khai thác đá cũng cần được nâng cấp sao cho có thể chạm được Kim Sa ở một độ sâu nhất định dưới lòng đất.
Mỗi tháng, ước tính có khoảng 20.000 đến 25.000 mét khối đá kim sa đen được sản xuất. Nhưng chỉ 30% trong số này là những phiến đá nguyên vẹn có kích thước lớn với chiều cao khoảng 2m, chiều dài 3m, và độ dày 1m.
Những năm về trước, các công ty muốn kinh doanh đá hoa cương cần có những công cụ hỗ trợ chuyên dụng để cắt những phiến đá thành từng tấm. Do đó, trước đây, đá hoa cương là loại vật liệu đắt đỏ và chỉ phổ biến ở các quốc gia phát triển. Ngày nay, bộ phận xử lý đá hoa cương tại Ấn Độ đã được đầu tư khá nhiều, nên có thể đã cung cấp cho các nhà kinh doanh đá hoa cương những tấm đá được cắt sẵn và đánh bóng đẹp mắt.
Nếu như các tấm đá to được thị trường Châu Âu và Châu Mỹ đón nhận rộng rãi, thì Châu Á lại chuộng những tấm đá hoa cương có kích cỡ nhỏ hơn. Nguyên nhân là do đặc trưng mật độ dân số tại các nước như là Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc với những ngôi nhà san sát nên các tấm đá nhỏ vừa thuận tiện thi công, vừa giảm được chi phí vận chuyển, cắt đá so với khi sử dụng tấm lớn.
Bề mặt của các tấm đá Kim Sa được nhập khẩu vào Việt Nam ngoài những hạt ánh đồng lấp lánh thu hút người nhìn còn được sở hữu độ bóng, lán mịn, giúp cho trải nghiệm người dùng tốt hơn, mang lại cảm giác sang trọng cho ngôi nhà của bạn.
Đá hoa cương kim sa thông thường được chia thành ba loại dựa vào kích cỡ của các hạt kim sa trên bề mặt đá:
- Kim Sa Bắp với các hạt lấp lánh có kích cỡ lớn (như hạt bắp)
- Kim Sa Trung với các hạt có kích cỡ vừa
- Kim Sa Cám với các hạt có kích cỡ bé
Nhưng nhìn chung, hiện nay loại đá Kim Sa Trung vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất.
Sức hấp dẫn từ loại đá này rất lớn, đến nỗi người ta ước tính được mỗi năm có khoảng 3 triệu mét khối đá đã được đưa vào thi công. Vậy thì nguyên do gì đã khiến Kim Sa Trung trở nên “hot” như vậy?
Thứ nhất là do cường độ chịu nén lên đến 2777kg trên 1cm2, điều này khiến cho Kim Sa Trung có thể tải được một trọng lực lớn. Tức là 1cm2 trên đá có thể chịu được khoảng hơn 2,7 tấn, gấp khoảng hơn 50 lần khối lượng trung bình của một người châu Á.
Bởi khả năng tải được trọng lực lớn như vậy, Kim Sa Trung sở hữu trọng lượng riêng cho một 1m khối đá là 2960kg, tức là gần 3 tấn. Khối lượng này tạo cho Kim Sa Trung một sự cứng cáp, bền chắc để đáp ứng được cho những công trình thi công đòi hỏi khả năng chống chịu cao của đá.
Thứ hai, độ giãn nở khi tiếp xúc với nhiệt cũng rất thấp, chỉ 0,0045mm. Điều này mang lại cho Kim Sa Trung sự bền bỉ, ít bị hư hại bởi nhiệt độ.
Thứ ba, khả năng hấp thụ nước của loại đá này chỉ có 0,04%, tức là gần như có khả năng kháng nước. Chỉ một số trường hợp không được bảo dưỡng, lớp bảo vệ bị bào mòn thì nước mới có khả năng làm hư hại chúng.
Những điều trên là điều kiện để Kim Sa Trung có thể đáp ứng cho các công trình. Nhưng lý do chính đã hướng người tiêu dùng lựa chọn chúng đó là bởi màu sắc và hoa văn đá có thể sử dụng trong các thiết kế cả cổ điển lẫn hiện đại.